Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Cẩm Nang Trồng Trọt - Kỳ 3

Cẩm Nang Trồng Trọt - Kỳ 3


Khán giả Phạm Văn Lộc ở Đắk Nông, Hỏi: Cây bơ trồng được 4 năm. Gần đây có hiện tượng héo xanh lá từ trên ngọn xuống rồi chết dần, có lây lan sang các cây khác. Sau 10 ngày thì chết, sau khi rụng hết lá, thân cây lại đâm chồi. Xin hỏi có phải nhổ bỏ cây đó đi không? Trước đó đã phun thuốc Agrifos 400 nhưng không đỡ. Hỏi khắc phục như thế nào? Cây đang ra hoa phun thuốc có được không?

Thưa anh Lộc ! Theo như anh mô tả, TS Đinh Văn Đức – Cục trồng trọt  cho biết cây bơ đã bị nhiễm bệnh héo rũ do nấm gây ra, tuy nhiên mức độ nhiễm bệnh giữa các cây rất khác nhau. Những cây bị bệnh nặng sẽ gây chết cả cây, những cây bị bệnh nhẹ chỉ chết một số cành hoặc một phía của cây, sau đó cây hồi phục và lại sinh trưởng bình thường. Theo như anh mô tả cây bơ lại đâm chồi, tức là cây bị bệnh nhẹ, do vậy anh không cần nhổ bỏ mà chỉ cần cắt hoặc cưa những cành, phần cây bị chết, sau đó chăm bón đầy đủ và phun thuốc trừ bệnh, cây sẽ lại sinh trưởng bình thường. Anh có thể sử dụng một trong các loại thuốc như ALIETTE 80 WP, RIDOMIL-GOLD 68 WP, EPOLISTS 80 WP,…Anh chú ý không phun thuốc trong thời gian cây đang nở hoa.

Nguyễn Văn Duyên, Thường Tín – Hà Nội, HỏiBưởi Diễn bị sâu đục thân thì phải khắc phục như thế nào?
Anh Duyên thân mến ! TS Đinh Văn Đức Cục BV TV cho biết để phòng trừ sâu đục thân cho cây bưởi Diễn, anh Duyên nên chú ý vào khoảng tháng 4-5 là thời gian sâu trưởng thành giao phối đẻ trứng. Thời gian này vào sáng sớm và cuối chiều anh có thể ra vườn bắt sâu trưởng thành để diệt. Và trong thời gian này anh cũng cần phun thuốc ướt thân cây và cành khoảng 10 ngày một lần để khi sâu non nở ra bò tìm chỗ để đục sẽ bị dính thuốc và chết. Nếu tháng 5-7 phát hiện các lỗ đục của sâu, anh có thể dùng bông tẩm thuốc nhét bịt miệng lỗ hoặc dùng bơm kim tiêm xịt thuốc vào lỗ đục để diệt sâu. Anh có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: ADMIRRE 050 EC, CONFIDOR 100 SL, MIDAN 10 WP, ACTARA 25 WG…

Khán giả Nguyễn Văn Mạnh, Khoái Châu – Hưng Yên, Hỏi: Nhãn thụ phấn nhờ côn trùng hay không cần nhờ côn trùng? Nếu không có côn trùng thì làm như thế nào?
Thưa anh Mạnh! TS Đinh Văn Đức Cục BVTV cũng có câu trả lời cho câu hỏi của anh như sau:
Hoa nhãn thụ phấn chủ yếu nhờ vào côn trùng, ngoài ra một phần nhỏ nhờ vào gió. Nếu không có côn trùng thì nhiều hoa không được thụ phấn và sẽ rụng không đậu quả, nên năng suất thấp. Hoa nhãn rất nhỏ nên rất khó áp dụng biện pháp thụ phấn nhân tạo.

Nguyễn Văn Nam, Quốc Oai – Hà Nội, HỏiCây ổi đang thời kỳ thu hoạch, bị rụng nhiều quả. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục.
Anh Nam thân mến ! TS Đinh Văn Đức Cục BVTV cho biết: Cây ổi đang thu hoạch mà bị rụng nhiều quả thì có thể do ruồi vàng đục quả gây hại hoặc có thể bị bệnh thán thư do nấm gây ra. Để khắc phục anh có thể làm như sau:
Nếu là ruồi vàng thì khi ổi lớn đạt kích thước tối đa, anh phải sử dụng các bẫy có chất dẫn dụ METHYL EUGENOL để thu hút ruồi vào bẫy để diệt, hoặc phun PROTEIN THỦY PHÂN lên tán cây trong đó đã có thuốc diệt trừ để ruồi ăn sẽ chết, hoặc dùng túi nylon hay túi giấy chuyên dụng để bao quả.
Đối với nấm bệnh , ngay sau khi quả hình thành, anh phải phun thuốc trừ nấm bằng một trong các thuốc như BAVISTIN 50 FL (SC), MANCOLAXYl 72 WP, EPOLISSTS 80 WP,…

Hỏi: Cây đu đủ gần cuối vụ thì có nhiều quả bị đắng. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục.
Với thắc mắc này, TS Đinh Văn Đức cho biết Cây đu đủ đã bị bệnh virus gây hại.
Để khắc phục anh phải loại bỏ các cây bị bệnh để giảm nguồn bệnh, sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu: ACTARA 25 WG, CONFIDOR 100 SL, ADMIRE 050 EC,… phun trừ các côn trùng chích hút như rầy, rệp, bọ trĩ,…là các côn trùng môi giới truyền lây bệnh trên đồng ruộng.

Nữ Thị Tốt, Ân Thi – Hưng Yên, HỏiRau ngót nảy mầm, thân bị trắng lụi dần rồi chết. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục.
Theo như mô tả của chị Tốt, TS Đinh Văn Đức – Cục BVTV cho biết có thể cây rau ngót bị bệnh phấn trắng do nấm gây ra.
Để khắc phục chị cần cắt bỏ đoạn ngọn cây bị bệnh và các lá bị bệnh mang đi chôn, tiêu hủy. Phun thuốc trừ nấm bằng một trong các loại thuốc sau: BIONIT WP, ZOOM 50 SC, DACONIL 75 WP, ALIETTE 800 WG,…Bón phân chuồng hoai mục và cân đối phân vô cơ NPK cho rau ngót để cây hồi phục sinh trưởng mạnh.

Nguyễn Văn Tiến, Ba Vì – Hà Nội, HỏiCây hoa hòe ở đâu trồng nhiều? Cây hoa hòe từ lúc trồng đến lúc  thu hoạch là bao lâu?
TS Đinh Văn Đức Cục BVTV cho biết: Cây hoa hòe được trồng nhiều nhất ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cây hòe từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 3 năm, tuy nhiên còn tùy thuộc vào chế độ chăm sóc, cũng như độ màu mỡ của đất trồng.

Trần Ngọc Long, Đồng Nai, nhờ chuyên gia của chương trình hướng dẫn công thức pha phân NPK. Cần bao nhiêu kg phân ure, bao nhiêu kg phân lân, bao nhiêu kali để được 1 tạ phân NPK.
Với câu hỏi của anh Long, TS Đinh Văn Đức Cục BVTV cho biết: Để có được phân NPK, không phải là mang 3 loại phân đạm, ure, phân lân và phân kali đấu trộn với nhau là thành. Nếu anh đấu trộn như vậy thì phân sẽ chảy nước ngay, không đóng bao, bảo quản được. Phân NPK cho mỗi loại cây trồng hay nhóm cây trồng có yêu cầu tỷ lệ khác nhau, nên tỷ lệ đấu trộn trong sản xuất phân bón cũng khác nhau. Chính vì vậy, các Công ty sản xuất phân bón đã sản xuất các loại phân bón NPK chuyên dùng cho từng nhóm cây khác nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét